CẢM NHẬN MỘT CHUYẾN ĐI THỰC ĐỊA
LAO CHẢI – TẢ VAN TỈNH LÀO CAI
Mỗi
người mẹ người cha đều trải qua một thời thơ ấu, mỗi người thầy cô giáo đều
trải qua một thời học sinh, mỗi thời gian đi qua cho ta một dấu ấn kỷ niệm và
mỗi chuyến đi là một lần cho con người tích lũy hành trang cho cuộc sống.
Chuyến đi kiến tập tại SaPa của chúng tôi trong mùa đông vừa qua là một điển
hình. Chuyến đi ấy đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về đất và người
nơi địa đầu tổ quốc cũng như đem lại cho chúng tôi những hành trang mới cho
cuộc sống tương lai.
Đến
với SaPa vào một ngày giữa đông, cái rét của xứ sở sương mù trùm lên trong
khoảng trời êm ả. Mây lững lờ trên đầu như khói lam tỏa lúc chiều mơ. Chúng tôi
dừng chân bên khách sạn Đông Á với bao ngỡ ngàng ban đầu: Những sắc màu thổ cẩm
trên trang phục của các chàng trai, thiếu nữ Mông, Ráy, Dao gợi lên một cuộc
sống đa sắc màu văn hóa.
Điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi là núi Hàm Rồng, ngọn núi
đứng giữa khoảng trống bao la, cao gần 2000 m so với mặt nước biển, giống như
một con rồng với cái thân vươn dài uốn lượn. Núi Hàm Rồng có đuôi từ Cổng Trời
giáp xã Hầu Thào và Sa Pả, đầu ở tận trung tâm thị trấn Sa Pa, có hàm răng
khổng lồ hướng sang phía Tây Nam dãy núi Hoàng Liên Sơn. Chúng tôi leo lên ngọn
núi mà nghe vọng lại dư âm một thời của truyền thuyết xưa kể lại sự tích ngọn
núi: “Xưa thật xưa, thuở hồng hoang, Ngọc Hoàng ban lệnh: Tất cả các sinh
vật còn sống sót trong bùn lầy hãy tự lập cho mình lãnh địa. Ba anh em nhà Rồng
tìm đến nơi đây, Hai người anh lớn khoẻ nên
chạy nhanh hơn, ở đó chờ người em. Vì yếu nên người em chạy chậm, không nhìn
thấy hai anh, nên đã lạc vào đám đông toàn là sư tử, hổ, báo, gấu… đang giành
nhau địa phận. Nhìn thấy đám sinh vật quái ác kia, người em sợ quá rùng mình,
co người, há mồm để tự vệ. Vừa lúc đó lời ban của Ngọc Hoàng đã hết thời hạn,
thân hình người em út nhà Rồng hoá thành núi đá, có dáng đầu ngẩng cao, mồm há,
nhe răng. Và hai người anh nhà Rồng cũng hoá thành đá, hình dáng đó vẫn còn cho
tới ngày nay.”
Huyền thoại một thời xa lắm rồi mà sao ta nghe như vẫn còn văng
vẳng trong lời kể của bà, của mẹ và hôm nay hậu thế lại kể nhau nghe. Lên tới
Cổng Trời, chúng tôi ai nấy vui sướng như mình vừa chinh phục được một đối
tượng to lớn lắm. Đứng trên Cổng Trời, chúng tôi có thể nhìn thấy rõ hơn dãy
núi Phan-xi-păng, nhìn thấy cả núi rừng và thị trấn Sa Pa. Đặc biệt ấn tượng
sâu sắc nhất là chúng tôi cảm thấy như đầu mình đang chạm vào mây. Thật hùng vỹ
và thơ mộng, huyền ảo và êm ả.
Để
lại sau lưng dãy núi Hàm Rồng với những tấm hình kỷ niệm tuyệt đẹp, chúng tôi
đến với bản Cát Cát và bản Tả Van để tìm hiểu văn hóa, cuộc sống bà con nơi
đây. Mở ra trước mắt chúng tôi những con đường ngoằn nghèo, những bậc thang dẫn
lối lên đỉnh đồi, những thửa ruộng bậc thang đang mùa thu hoạch, những ngọn đồi
xanh ngát bởi cây rừng, vàng ươm bởi những luống ngô. Giữa chốn đại ngàn chỉ có
gió, sương và núi đá ấy chợt thấp thoáng những triền dốc thắm nở hoa hồng. Đâu
phải chỉ chốn phồn hoa hay vườn ươm mới có hoa hồng! Mới hay con người ở bất kể
đâu cũng có niềm khát vọng một cuộc sống hoàn mỹ. Cái đẹp của nghệ thuật, của
thiên nhiên, của tâm hồn luôn là điều ai cũng ước mong và tìm đến.
Cát
Cát là một bản lâu đời của người Mông, rất hấp dẫn với những người muốn tìm
hiểu về cuộc sống và văn hóa của đồng bào thiểu số. Nơi đây có khá nhiều nghề
thủ công truyền thống: trồng bông, lanh và dệt vải. Qua những khung dệt này,
người Mông đã tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn: hoa văn mô
phỏng cây, lá, hoa và muông thú, hoa văn góc cạnh... Gắn liền với công đoạn dệt
vải bông, vải lanh là khâu nhuộm vải và in thêu hoa văn, phổ biến là kỹ thuật
nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng. Nghề chế tác đồ trang sức
bằng bạc hay bằng đồng, nhôm là một trong những nghề thủ công truyền thống đã
có từ lâu đời và đã tạo ra được những sản phẩm khá tinh xảo. Sản phẩm chạm bạc
ở Cát Cát khá phong phú và đa dạng, gồm nhiều chủng loại khác nhau nhưng chủ
yếu là đồ trang sức của phụ nữ: vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn... Đặc
biệt, trong nền văn hóa của dân tộc Mông, họ còn giữ được những phong
tục, tập quán độc đáo như tục “kéo vợ”, tục cưới hỏi.
Đến
với Tả Van, dừng chân bên chiếc cầu mây, chúng tôi thấy như đang rìm về nguồn
cội khúc hát ân tình “Quê Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Xuôi theo cùng
con đường đó, chúng tôi đến với bãi đá cổ Sa Pa, một bãi đá đã được nhà khảo cổ
người Pháp gốc Nga Glubev của trường Viễn Đông Bắc Cổ phát hiện vào năm 1925.
Bãi đá này đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là di tích văn hóa quốc gia,
nay đang được nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Tạm biệt bản Tả Van và Cát Cát với bao luyến nhớ, chúng tôi
tìm về Chợ Tình Sa Pa trong đêm cuối tuần. Sinh hoạt Chợ Tình tuy không còn giữ
được nét văn hóa nguyên vẹn như xưa nhưng truyền thống vẫn còn. Thấp thoáng đó
đây những chiếc ô làm duyên cho đôi trai gái chuyện trò, những màn biểu diễn
múa khèn của các chàng trai Mông giữa sân chợ. Nửa đêm, Chợ Tình vẫn chưa tan.
Tiếng sáo, tiếng khèn còn níu bước chân người viễn xứ. Cảnh là đây! Tình là
đây! Con người nơi đây thật dịu dàng, thanh nhã. Gương mặt các cô gái Mông với
hai má hồng như trái đào đương chín ửng với nụ cười chúm chím, những ánh mắt e
ấp dịu dàng. Sự thanh thoát và nhẹ nhàng của thiên nhiên như hóa thân trong
gương mặt người. Ai đó đã từng định nghĩa: “Người là hoa của đất”. Đúng vậy,
con người nơi đây chính là tinh hoa của núi rừng. Trên gương mặt những cô gái
Mông, Dao, Ráy cũng như đang tỏa ra nét thơ mộng của một vùng sương khói. Tiếng
sáo gọi bạn tình khi nhẹ nhàng, khi lững lờ, khi dìu dặt. Đến đây ta như muốn
đặt lại câu hỏi phải chăng Tô Hoài, ông đã tả chân trong tác phẩm Tây Bắc ?
Quá
nửa đêm, sương xuống lạnh dần, chợ vẫn chưa tàn. Chúng tôi lại chuẩn bị hành
trang trở về thủ đô thân yêu cho những bài học mới.
Tiếng
còi tàu vẫy gọi chúng tôi trở về, tiếng còi tàu xé tan màn sương như muốn đánh
thức chúng tôi đang trong cõi mộng du trở về thực tại. Thị trấn SaPa khuất dần
sau lưng nhưng tiếng khèn, tiếng sáo vẫn còn văng vẳng đâu đây. Chuyến đi tuy
ngắn ngủi nhưng đã cho chúng tôi rất nhiều bài học: bài học về thiên nhiên,
cuộc sống, con người và đất nước. Thiên nhiên quanh ta thật rộng lớn, cuộc sống
quanh ta vô cùng phong phú. Những con người bé nhỏ chốn địa đầu của tổ quốc đã
và đang lấy sức mình vượt sức thiên nhiên để kiến tạo một cuộc sống tốt đẹp và
lưu giữ bản sắc văn hóa của cha ông. Càng nhìn cuộc sống của họ, càng nghĩ về
họ ta càng thấy mình bé nhỏ và như tìm thấy sức mạnh thúc đẩy ta vững bước tiến
lên trên con đường học vấn để góp sức xây dựng một đất nước thăng tiến toàn
diện. SaPa, nơi ấy có thể nói còn có nhiều khó khăn trong việc phát triển đời
sống vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nơi đây lại chứa chan tình
người và tình đời. Bởi vì có biết bao con người tìm đến nơi đây đã tìm thấy sức
mạnh vươn lên cho mình, tìm thấy sự thanh thản cho tâm hồn. SaPa đang và sẽ là
điểm du lịch cuốn hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Chuyến đi cũng cho chúng tôi những bài học về tình người,
tình bạn. Giúp chúng tôi yêu thương nhau hơn, biết chia sẻ, cảm thông và chấp
nhận nhau qua những ngày cùng đi một chuyến xe, cùng ở một mái nhà, cùng đến
một địa điểm và cùng tiếp xúc với một nền văn hóa. Bài học về tình bạn, tình
người thật hữu ích cho chúng tôi trong môi trường đại học hôm nay. Có thể nói
chuyến đi đã cho chúng tôi cả một hành trang không kém phần to lớn để ngày mai
vững bước vào cuộc đời.
Phong
Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét